Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại

Phân lập và đánh giá tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn Streptoccocus agalactiae gây bệnh mù mắt trên ếch Thái Lan (Rana tigerina) nuôi tại một số tỉnh phía Bắc

Cập nhật: Thứ tư, 10/05/2023

Ếch là một loài nuôi phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thịt ếch được được đánh giá là một nguồn protein ưu việt, có thể thay thế một số nguồn protein động vật khác. Tại Việt Nam, ếch được coi là loài dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, được nuôi ở nhiều địa phương với quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt phát triển mạnh trong những năm gần đây ở nhiều tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh và ồ ạt về quy mô, diện tích nuôi đã dẫn đến nhiều rủi ro cho nghề nuôi ếch hiện nay, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh. Một số bệnh nguy hiểm phải kể đến là bệnh nhiễm khuẩn trên ếch như đốm đỏ do vi khuẩn A.hydrophilla , bệnh lồi, đục mắt do vi khuẩn S.agalactiae. Bệnh xảy ra nhiều nơi và diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về bệnh do vi khuẩn S. aglactiae chủ yếu tập trung vào cá rô phi, cá trắm đen. Nghiên cứu tác nhân này trên ếch mới chỉ thực hiện ở quy mô và phạm vi nhỏ và các nghiên cứu về dịch bệnh do vi khuẩn S. aglactiae gây ra trên ếch tại miền Bắc còn rất hạn chế. Việc thiếu thông tin dịch bệnh và sử dụng thuốc điều trị bừa bãi có thể dẫn đến quá trình điều trị không mang lại hiệu quả, giảm tỷ lệ sống, tăng tính kháng kháng sinh, tồn dư kháng sinh trong thịt ếch làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện để làm rõ một số đặc điểm bệnh mù mắt do vi khuẩn S. aglactiae trên ếch Thái Lan tại một số tỉnh phía Bắc, đánh giá mức độ kháng kháng sinh để cung cấp thông tin nhằm xây dựng giải pháp phòng trị bệnh hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi ếch tại Việt Nam. 

Mục đích của nghiên cứu nhằm xác định một số đặc điểm bệnh, phân lập, định danh và đánh giá tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn S. agalactiae gây bệnh lồi, đục mắt trên ếch Thái Lan (Rana tigerina) nuôi tại một số tỉnh miền Bắc. Mẫu ếch thu tại 26 hộ nuôi ở ba tỉnh Hà Nội, Hà Nam và Thái Bình đang xuất hiện hiện tượng lồi đục mắt được thu phục vụ cho nghiên cứu.

Trong tổng số 83 mẫu, ếch bệnh có triệu chứng điển hình là lồi, đục mắt, đục một hoặc cả hai mắt với tần suất bắt gặp là 65/83 mẫu ếch, chiếm tỷ lệ 78,3% (Hình 1 A – C), đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến ếch hoạt động chậm chạp, kém linh hoạt. Các triệu chứng khác như da sẫm màu, thay đổi màu sắc, gan sưng, xuất huyết, bụng chướng chiếm tỷ lệ khá cao, dao động trong khoảng 53,0-69,9%. Ngoài ra, ếch xuất huyết trên da, lở loét chân chiếm tỷ lệ thấp (25,3-34,9%). Kết quả nhuộm gram mẫu tươi mô não, mắt, thận ếch bệnh cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn gram dương, dạng liên cầu khuẩn, nằm rải rác hoặc tập trung thành cụm lớn (Hình 2) và hoàn toàn tương đồng với báo cáo ếch bệnh tại Huế.

Hình 1. Biểu hiện lâm sàng ếch nhiễm bệnh

Ghi chú; A, B – Ếch bị lồi, đục mắt; C,D – Gan bị xuất huyết, tụ huyết)

Hình 2. Sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh trên mẫu tươi lấy từ ếch bệnh
ở các vị trí não (A), mắt (B), thận (C)

Đặc điểm điển hình của vi khuẩn S. agalactiae là tấn công và gây bệnh ở mắt, não gây đục, lồi mắt, xuất huyết não, gây xung huyết và xuất huyết các cơ quan nội tạng và đã được ghi nhận trên nhiều đối tượng nuôi khác nhau cá rô phi, cá trắm đen, cá rô đồng. Kết quả kiểm tra mẫu mô thận, não của ếch bệnh trong nghiên cứu này cho thấy vi khuẩn xâm nhập, gây vỡ và phá hủy tế bào mô và hồng cầu. Mẫu mô thận có sự hiện diện của nhiều tế bào đại thực bào, vi khuẩn liên cầu và không quan sát thấy sự có mặt của các loài vi khuẩn khác, đặc điểm này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm ếch nhiễm bệnh S. agalactiae.

Quá trình nuôi cấy vi khuẩn từ 83 mẫu ếch có biểu hiện lồi, đục mắt đều cho thấy vi khuẩn gây bệnh phát triển sau 24-36h ở 28-30ºC rên môi trường TSA, khuẩn lạc nhỏ, hình tròn, rìa đều, bóng, hơi lồi, màu kem, tâm hơi đậm, đường kính từ 0,5-0,7mm. Vi khuẩn Gram dương, hình cầu riêng lẻ hoặc bắt cặp với nhau thành đôi hay chuỗi liên kết dài (Hình 3). Các đặc điểm phát triển của vi khuẩn, hình thái khuẩn lạc, hình dạng vi khuẩn ghi nhận được trong nghiên cứu tương đồng với kết quả báo cáo trước đó về đặc điểm hình thái chủng vi khuẩn S.agalactiae trên ếch. Ngoài ra, các đặc điểm phát triển của vi khuẩn, hình thái khuẩn lạc, hình dạng vi khuẩn cũng được tìm thấy tại các nghiên cứu trước đó của vi khuẩn S.agalactiae gây bệnh trên cá rô phi.

Hình 3. Hình thái khuẩn lạc S. agalactiae trên môi trường thạch sau 48h nuôi cấy ở nhiệt độ 28ºC

Ghi chú: A, B – Hình thái khuẩn lạc; C – Hình thái vi khuẩn nhuộm gram

Qua nghiên cứu cho thấy, ngoài triệu chứng chính lồi đục mắt, đục một hoặc hai bên mắt chiếm tỷ lệ cao (78,3%), ếch bệnh còn có biểu hiện da sẫm màu (53,0%), gan sưng, xuất huyết (69,9%), dịch mắt, não, thận và gan ếch chứa nhiều vi khuẩn (100%). Kết quả nuôi cấy, phân lập cho thấy khuẩn lạc vi khuẩn có dạng tròn, lồi, màu kem, đường kính khoảng 1mm, bắt màu Gram dương, dạng liên cầu. Giám định hình thái, sinh hoá và PCR cho thấy 26 chủng phân lập được đều là Streptococcus agalactiae. Kết quả cảm nhiễm cho thấy liều gây chết 50% (LD50) của 3 chủng đại diện nằm trong khoảng 1,2 × 10– 3,5 × 10CFU/ếch. Vi khuẩn có tỷ lệ kháng cao (61,5%) đối với oxytetracycline, sulfamethoxazole/trimethoprim, trong khi các loại kháng sinh amoxicillin, florfenicol, erythromycin có tỷ lệ nhạy từ 65,4-80,8%. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để xây dựng biện pháp kiểm soát bệnh mù mắt trên ếch nuôi.

Lê Thị Nhẫn - ST