Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại

Chăm sóc, bảo vệ thủy sản ứng phó với thời tiết cực đoan

Cập nhật: Thứ sáu, 09/06/2023

 Từ đầu tháng 5 đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, đã xuất hiện đợt nắng nóng cao điểm kết hợp với những trận mưa lớn làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng thủy sản nuôi. Khi thời tiết diễn biến phức tạp, các yếu tố môi trường ao nuôi có thể bị thay đổi đột ngột làm thủy sản nuôi bị sốc, dễ phát sinh dịch bệnh. Để hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, người nuôi thuỷ sản cần quan tâm một số nội dung sau:

1. Chủ động các biện pháp làm giảm tác động của nắng nóng 

Đảm bảo mật độ nuôi hợp lý, nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm, tránh nguồn nước thải sinh hoạt. Quản lý tốt môi trường ao nuôi, thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường, đảm bảo các điều kiện môi trường nằm trong giới hạn thích hợp cho thủy sản nuôi như: nhiệt độ nước từ 26 - 28oC; Độ trong 30 - 40 cm; pH 6,5 - 8 (đối với ao nước ngọt), 7,5-8,5 (đối với ao mặn lợ); oxy hoà tan > 3 mg/lít; độ kiềm 80 - 120 mg/l,...

Để nhiệt độ trong nước không bị thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của tôm cá, bà con cần luôn giữ độ sâu của ao từ 1,5m trở lên.

Chỉ thả giống khi có nhiệt độ dưới 30oC (sáng sớm hoặc chiều mát), thả nuôi với mật độ hợp lývàcó biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật.

Sử dụng các thiết bị làm giàu ôxy như máy quạt nước, máy sục khí, máy phun, máy bơm… đặc biệt là vào ban đêm từ 22h đêm đến 4h sáng để tăng ôxy hòa tan, đặc biệt là tầng đáy, tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển sẽ làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao.

Che phủ một phần diện tích nuôi để làm chỗ trú ẩn, tránh nắng nóng cho cá (bèo tây, lưới đen,...) khi nắng nóng kéo dài.

Trong những ngày nắng nóng nhiệt độ nước trên 35oC cần giảm lượng thức ăn từ 30 - 40% hoặc ngừng cho ăn, thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, …vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho thuỷ sản.

Bên cạnh đó, bà con tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, đáy ao nuôi. Bởi vì, đặc điểm của tôm, cá đó là sẽ di chuyển xuống đáy ao khi nhiệt độ thay đổi mà môi trường đáy ao lại chính là nơi tích tụ các mùn bã hữu cơ, khí độc, nấm và vi khuẩn có hại. 

2.Biện pháp khắc phục sau những trận mưa lớn

Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao.

Sau trận mưa lớn các chỉ số hóa trong môi trường nước ao nuôi có thể thay đổi đột ngột. Bà con phải hết sức lưu ý, sau trận mưa lớn phải đo ngay các chỉ số môi trường ao nuôi.

Chạy quạt,sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao, nhằm tránh phân tầng nước, làm nhiệt độ trong ao nuôi bị ảnh hưởng gây sốc cho tôm, cá.Hệ thống Oxy đóng vai trò rất quan trọng, cần có những biện pháp dự phòng đảm bảo hoạt động 24/24.

Khi mưa lớn làm nhiệt độ giảm xuống, tôm cá sẽ ăn ít hơn bình thường, bà con nên giảm bớt thức ăn xuống 20-45%, bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

Thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời; sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão (nếu bị ô nhiễm);

Vì vậy, để hạn chế tác động của thời tiết đến sức khỏe các đối tượng thủy sản, người nuôi cần quan tâm theo dõi diễn biến thời tiết, để chủ động các biện pháp quản lý môi trường, chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh./.

Lê Thị Nhẫn - TT Nông nghiệp công nghệ cao và XTTM