Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại

Kỹ Thuật nuôi cá trạch sụn thương phẩm trong ao

Cập nhật: Thứ ba, 11/04/2023

Nuôi cá chạch sụn đang là một hướng đi mới nhiều triển vọng. Chạch sụn có thịt thơm ngon, xương mềm, giá trị dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả ổn định. Hơn nữa, cá chạch thích ứng với đa dạng môi trường sống, rất dễ nuôi. Hiện nay, nhiều bà con có nhu cầu nuôi đối tượng này, vì thế Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại giới thiệu về kỹ thuật nuôi cá chạch sụn thương phẩm trong ao.

          1. Điều kiện ao nuôi:

Chọn ao nuôi có giao thông thuận tiện, đảm bảo an ninh. Ao nuôi cá chạch sụn có diện tích từ 500 m2. Bờ ao chắc chắn, giữ được nước, có cống cấp và cống thoát nước. Đáy ao chất đất bùn bằng phẳng, hơi dốc về phía cống thoát nước. Nguồn nước chủ động, cấp và thoát nước dễ dàng, không thiếu vào mùa khô và không bị ngập vào mùa mưa lũ. Nguồn nước sạch không bị ô nhiễm do chất thải nông, công nghiệp và sinh hoạt.

          2. Chuẩn bị  ao nuôi:

Bơm cạn ao, diệt hết cá tạp, cá dữ và làm sạch cây cỏ thủy sinh trong và xung quanh ao. Vét bùn đáy ao, chỉ chừa lại một lớp bùn mỏng khoảng 10 - 20 cm. Gia cố cống cấp, thoát nước và lưới chắn. Tu sửa lại những chỗ bờ ao bị sạt lở, rò rỉ, lấp hết hang hốc cua, rắn, chuột. Dùng vôi bột rải đều đáy và bờ ao với liều lượng từ 7 - 10 kg/100 m2 ao. Sau đó phơi ao 3 - 5 ngày. 

Cấp nước vào ao qua lưới chắn lọc, mực nước khoảng 50 cm rồi tiến hành gây màu nước. Sau 5 - 7 ngày, nước trong ao có màu xanh lá chuối non tiến hành lấy nước lần 2 sao cho mức nước trong ao đạt 1,2 - 1,5m thì tiến hành thả cá giống.

          Môi trường nước khi thả giống tốt nhất phải đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng sau đây:

+ Nhiệt độ nước từ 22 - 300C.

+ Ðộ pH trong khoảng từ 6,5 - 8,5.

+ Hàm lượng oxy hoà tan ≥4 mg/l.

3. Chọn giống và thả giống

Chọn mua cá giống tại cơ sở uy tín cá khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, không mất nhớt, không bị trầy xước, bơi lội linh hoạt, màu sắc sáng bóng, không có dấu hiệu bệnh tật.

Thả giống với mật độ thả phù hợp từ 40 - 60 con/m2, cỡ giống 1-2 g/con.

Thả cá vào lúc sáng sớm hay chiều mát và khi thả nên ngâm túi cá giống xuống ao khoảng 10 - 15 phút để cân bằng nhiệt độ sau đó thả cá từ từ ra ao. Trước khi thả giống, cần so sánh các yếu tố môi trường (pH, nhiệt độ...) để điều chỉnh, tránh gây sốc cho cá.

          Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Cá giống chuyển về phải được ngâm trong ao nuôi 10-15 phút để cân bằng nhiệt độ trong bao chứa cá và nước ao. Sau đó, mở bao cho nước vào từ từ và thả cá ra ngoài.

4. Chăm sóc quản lý

a.Thức ăn và cách cho ăn: 

Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, hàm lượng đạm ≥ 30%. Tùy vào kích cỡ của cá chọn lựa kích cỡ thức ăn viên cho phù hợp.Cho ăn 2-3lần/ngày vào sáng sớm hoặc chiều tối, do cá chạch có tập tính ăn chủ yếu vào ban đêm nên lượng thức ăn tập chung vào chiều tối, lượng thức ăn chiếm 70-80% lượng thức ăn trong ngày.

          Cho cá ăn bằng cách rải đều thức ăn xung quanh ao hoặc sử dụng máy cho ăn tự động, khẩu phần cho cá ăn từ 3-5% trọng lượng cá/ngày, tuỳ theo mức độ ăn và từng giai đoạn phát triển của cá, tránh choa ăn dư thừa.

          Định kỳ trộn thêm Vitamin C, men tiêu hoá vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng. Định kỳ cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần cho ăn liên tục từ 3-5 ngày.

          Thường xuyên quan sát khả năng sử dụng thức ăn, tình trạng sức khoẻ của cá và thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

b. Quản lý ao nuôi:

Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi màu nước, các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Cho cá ăn đầy đủ để cá lớn nhanh và tăng sức đề kháng, cá ít bị bệnh. Định kỳ thay nước trong ao để tránh bị ô nhiễm. 

Khoảng 5 - 7 ngày thay nước một lần, lượng nước thay từ 30 - 50% lượng nước trong ao. Tùy vào độ lớn của cá mà thời gian thay nước rút ngắn. Định kỳ tháng/lần kiểm tra bệnh tật và tốc độ phát triển của cá. 

Định kỳ 2 lần/tháng bón vôi xuống ao với lượng 1-2kg/100 m3 nước ao để phòng bệnh cho cá. Thường xuyên quan sát hoạt động bơi lội và khả năng bắt mồi để nắm bắt tình hình sức khỏe của cá và có chế độ chăm sóc hợp lý. Trong ao nên thả bèo tây để tạo chỗ trú ẩn và tránh nóng, tránh rét cho cá và làm rào chắn xung quanh ao nuôi để ngăn ngừa địch hại xâm nhập, tránh thất thoát.

5. Phòng bệnh cho cá

          - Chọn địa điểm nuôi thích hợp, thiết kế ao nuôi đúng kỹ thuật. Nguồn nước lấy vào ao nuôi phải sạch hoặc đã được xử lý.

- Ao nuôi phải được cải tạo đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả giống.

          - Chọn cá giống khỏe mạnh, đồng đều, không bị xây xát.

- Cho cá ăn vừa đủ, tránh tình trạng thức ăn thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Thức ăn phải đảm bảo chất lượng không bị ẩm mốc.

          - Định kỳ 2 lần/tháng bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn cho cá cho cá ăn liên tục 3 ngày.

- Quản lý ao nuôi chặt chẽ, duy trì nguồn nước trong ao sạch luôn trong sạch.

- Định kỳ 2lần/tháng bón vôi xử lý môi trường ao nuôi với lượng 1-2 kg/100 m3 nước vừa đảm bảo môi trường nước sạch vừa có tác dụng phòng bệnh cho Chạch nuôi thương phẩm.

- Định kỳ sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước, đáy ao nuôi đảm bảo môi trường nước luôn trong sạch giúp Chạch tăng trưởng tốt nhất.

Ảnh: Cá chạch sụn thương phẩm

          6. Thu hoạch:

Sau 4 tháng nuôi cá đạt cỡ 25 - 30g/con thì tiến hành thu hoạch. Có thể thu một phần trong ao hoặc thu tất cả tùy theo nhu cầu thị trường.

Trước khi xuất bán không cho cá ăn trước 1 ngày và không dùng kháng sinh trước khi xuất bán 15 ngày. Do là loài cá da trơn, nên khi đánh bắt chúng rất dễ bị tổn thương, xây xát làm giảm giá trị khi thu hoạch. Bà con cần lưu ý thao tác nhanh gọn, nhẹ nhàng để giữ cho cá sống khỏe mạnh, đảm bảo tươi ngon nhất./.

Lê Thị Nhẫn - TT Nông nghiệp công nghệ cao và XTTM