Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại

Phòng bệnh cho cá trong thời điểm giao mùa

Cập nhật: Thứ ba, 02/04/2024

Phòng bệnh cho cá trong thởi điểm giao mùa

Việc thay đổi thời tiết tạo sự thuận lợi cho mầm bệnh trên cá phát triển rất nhanh, chủ yếu là các bệnh về ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn, vi rút... Do đó, bà con cần chú ý các biện pháp phòng bệnh tổng hợp để tránh thiệt hại về kinh tế.

Cải tạo ao:

Tát cạn nước ao, phát quang bờ bụi, lấp hết hang hốc xung quanh bờ ao. Tu sửa bờ ao, cống cấp thoát nước, vét bùn đáy chỉ để lại 15-20cm, san phẳng đáy giúp sinh vật đáy phát triển tốt và tiện thu hoạch.

Tẩy trùng ao bằng vôi bột (vôi tỏa) rắc đều đáy và quanh bờ ao nhằm mục đích cho đáy ao tơi xốp, tiêu diệt mầm bệnh, giải phóng khí độc, giữ ổn định độ pH. Liều lượng vôi sử dụng 7-10 kg/100m2.

- Phơi đáy ao 3-7 ngày (phụ thuộc vào thời tiết), phơi đến khi nứt chân chim. Riêng với ao bị nhiễm phèn thì chỉ nên phơi se mặt đáy. Biện pháp kỹ thuật này giúp tiêu diệt mầm bệnh, giải phóng khí độc tích tụ trong nền đáy, phân huỷ hoàn toàn các chất thải, thuận lợi cho việc gây màu nước, phát triển nguồn thức ăn tự nhiên trong ao.

-  Cấp nước: Nước cấp vào ao là nguồn nước sạch, phải được lọc qua túi lọc để ngăn cá tạp, địch hại xâm nhập vào ao. Khi lấy nước vào cần kiểm tra các yếu tố môi trường nước. Khi nước đạt từ 1 – 1,5m tiến hành bón phân gây mầu nước.

Bón phân gây màu nước: Áp dụng một trong hai cách bón phân như sau:

Gây màu nước bằng chất hữu cơ như cám gạo, phân xanh, bột đậu nành: Liều lượng dùng 25 – 50 kg/ha. Chất hữu cơ sẽ kích thích tảo phát triển sau 4 – 5 ngày.

Gây màu nước bằng phân vô cơ: Sử dụng phân hóa học như: urê phosphate (N-P-K = 16: 2:0); urê (N2H4CO); N-P-K (46:0:0) hay super phosphate (N-P-K = 16:16:16). Trong đó urê phosphate tốt nhất. Lượng bón 40 – 50 kg/ha, nên hòa tan phân vào nước sau đó té đều khắp mặt ao,  bón 4 – 5 ngày liên tục.

Sau khi đã gây màu nước trong ao nuôi cá thành công, tảo phát triển tốt, độ trong đạt 30 – 40 cm thì có thể thả giống.

         -  Trước khi thả cá giống cần tắm bằng nước muối với liều lượng 2-3-g/lít

Thức ăn cho cá:

-  Tuyệt đối không cho cá ăn thức ăn ôi thiu, cho ăn trong ngày chia làm 2 lần: sáng, chiều (vào lúc trời dịu mát)

-  Rửa sạch dụng cụ cho ăn.

-  Treo túi vôi 3-5 kg/túi quanh chỗ cho ăn.

-  Bổ sung thêm Vitamin C trong thức ăn để tăng sức đề kháng (liều lượng 40 g/100 kg cá, định kỳ 2 lần/ tuần)

Tăng sức đề kháng cho cá bằng thảo dược:

-  Cây chuối: Thái nhỏ thân cây chuối, cắt thành những đoạn nhỏ rồi cho cá ăn

-  Cây nhọ nồi: Ép lấy nước, nghiền nhỏ cho cá ăn cả bã (3 kg/100kg cá/ngày)

-  Cây tỏi: Xay tỏi thật nhỏ, trộn vào thức ăn với liều lượng 100-300 g/100 kg cá, cho ăn liên tục 1 tuần

-  Cây nghể: Băm nhỏ, nấu kỹ lấy nước, bỏ bã, sau đó trộn vào thức ăn cho cá. Cho cá ăn 300 g thân, lá tươi/100 kg cá trong 3-6 ngày liên tục (cây nghể có tính nóng vì vậy không nên cho quá liều lượng)

-  Cây rau sam: Cho cá ăn với liều lượng 1.5-3 kg/100kg cá (lưu ý rửa sạch bằng nước muối).

Nguyễn Tất Thắng – TT Nông nghiệp CNC và XTTM