Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại

Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Cập nhật: Thứ hai, 03/07/2023

Thời gian qua, Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp, áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong quản lý tàu cá, quản lý khai thác thủy sản một cách hiệu quả như quản lý tàu cá trên phần mềm Vnfishbase, quản lý giám sát tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên phần mềm hệ thống giám sát tàu cá.

Ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia VNFISHBASE trong quản lý tàu cá.

Vnfishbase là cơ sở dữ liệu trực tuyến và đồng bộ cho quản lý thông tin về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, hạn ngạch khai thác thủy sản, giấy phép khai thác thủy sản; dữ liệu về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; dữ liệu về nhật ký, báo cáo khai thác; xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác...Đây là cơ sở dữ liệu hữu ích trong quản lý nghề cá, năng lực khai thác. Qua quá trình triển khai thực hiện, Vnfishbase giúp quản lý thông tin tàu cá được an toàn, ổn định hơn, góp phần giúp nghề cá phát triển theo hướng bền vững.

Ảnh: Thông số đăng kiểm tàu cá trên phần mềm Vnfishbase

Hiện nay, Tỉnh Ninh Bình có 100% tàu cá đã được cập nhật dữ liệu về đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác lên phần mềm Vnfishbase. Qua đó, công tác quản lý tàu cá của tỉnh Ninh Bình ngày các thuận tiện và nhanh chóng. Các thông số kỹ thuật tàu cá, hạn đăng kiểm, hạn giấy phép khai thác đều được hiển thị trên phần mềm quản lý. Điều này giúp cho việc tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu việc gia hạn đăng kiểm, gia hạn giấy phép khai thác một cách thường xuyên hơn và hiệu quả hơn.

Hiệu quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đối với các tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nhanh chóng gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và phải đảm bảo thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi quay trở về.

Ảnh: Lắp đặt giám sát tàu cá cho ngư dân

VMS là thiết bị cung cấp thông tin về vị trí, vết đi và một số hoạt động của tàu thuyền cho nhà quản lý, cung cấp dịch vụ thông tin giữa trạm quản lý và tàu thuyền hoạt động trong vùng kiểm soát của hệ thống. Điều đó góp phần vào việc quản lý hoạt động nghề cá bằng công nghệ mới. VMS giúp cơ quan quản lý kiểm soát hành trình tàu cá đang hoạt động tại vùng biển cho phép hoặc tàu cá có vượt ranh giới biển, để kịp thời xử lý và yêu cầu tàu cá về vùng biển Việt Nam. Tránh tình trạng bị tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá không chỉ nhằm phục vụ cho công tác quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, mà còn hỗ trợ cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản.

Hiện toàn bộ 08 tàu cá có chiều dài trên 15m khai thác xa bờ thuộc diện phải lắp thiết bị giám sát hình trình, đã được các chủ tàu tự giác lắp đặt VMS theo quy định.

Ảnh: Tàu cá Ninh Bình hiển thị trên phần mền hệ thống giám sát tàu cá

Ông Trần Văn Diệm cho biết: “Giám sát hành trình tàu cá giúp tôi quản lý, giám sát tàu của mình chủ động hơn khi vươn khơi đánh bắt. Trước đây giao tàu cho thuyền trưởng, ra biển rồi thì tôi không biết tàu đang ở đâu, thuyền trưởng nói ở đâu tôi biết ở đó. Nhưng bây giờ tàu cá của tôi được lắp thiết bị giám sát hành trình, tôi ngồi ở nhà là biết tàu đang ở vị trí nào, hoạt động hay không hoạt động. Nếu tàu ra gần vùng biển giáp ranh với nước ngoài là có tín hiệu báo ngay, hoặc mấy Anh ở Đồn Biên phòng Kim Sơn và mấy anh ở Chi cục Thủy sản điện thoại ngay cho tôi nhắc nhở và yêu cầu gọi tàu quay trở vào vùng biển Việt Nam”.

Đối với Thuyền trưởng và các thủy thủ trên tàu thì việc lắp đặt thiết bị VMS giúp mọi người biết được khu vực mình đánh bắt ở đâu để không đi qua vùng biển nước ngoài. Nếu có vấn đề gì trục trặc, gặp nạn trên biển thì có thể điện báo ngay cho các cơ quan chức năng đến hỗ trợ. Ngoài ra thiết bị VMS  thông báo thường xuyên về tình hình thời tiết, điều đó giúp ngư dân chủ động hơn để ứng phó với các tình huống trong quá trình đánh bắt hải sản.

Ông Đỗ Văn Chuẩn – Trưởng phòng Khai thác và BVNLTS cho biết: “Khi phát hiện tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình khi đang khai thác hải trên biển, chúng tôi đã liên lạc với chủ tàu hoặc người nhà để yêu cầu thuyền trưởng kiểm tra lại thiết bị để thiết bị giám sát hành trình hoạt động trở lại. Đảm bảo thiết bị giám sát hành trình hoạt động 24/24 mỗi khi rời cảng. Đến nay, chưa có trường hợp nào vi phạm bị xử phạt hành chính”.

Chi cục Thủy sản Ninh Bình tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở đến các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá hoạt động ngoài vùng khơi đảm bảo kết nối thiết bị giám sát hành trình trước khi rời cảng.

Theo quy định, trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, báo cáo vị trí tàu cá vềTrung tâm giám sát tàu cá ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố, ven biển 6 giờ/lần và phải đưa tàu về cảng sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị hỏng, nếu không sẽ bị ngành chức năng xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ đối với hành vi không duy trì giám sát hành trình là từ 300 - 500 triệu đồng.

Ứng dụng nhật ký khai thác điện tử

Để tăng cường giám sát, quản lý số hóa các thông tin hoạt động của tàu cá. Trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình sẽ tiếp tục đề xuất cho thí điểm lắp đặt thiết bị ghi chép nhật ký khai thác điện tử trên các tàu cá xa bờ, giúp ngư dân thuận lợi hơn trong quá trình ghi chép nhật ký, khắc phục những hạn chế, sai sót, không chính xác khi ghi nhất ký khai thác bằng giấy; Cơ quan quản lý thủy sản, các cảng cá tiếp nhận được và công nhận thông tin về sản lượng khai thác ghi bằng nhật ký điện tử của ngư dân trên phần mềm hệ thống quản lý thuận tiện trong quá trình theo dõi, lưu trữ hồ sơ và thuận lợi trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, đảm bảo tính chính xác, minh bạch, hướng đến tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu./.

Đình Trọng - Chi cục Thủy sản Ninh Bình