Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại

Quy trình trồng và chăm sóc trạch tả

Cập nhật: Thứ hai, 20/03/2023

1. Thời vụ

Cây trạch tả là cây trồng trên ruộng nước, trồng vụ đông. Gieo hạt đầu - giữa tháng 8. Bố trí ươm cây giống khoảng 45 - 50 ngày. Trồng trước 15/10. Thu hoạch cuối tháng 1 năm sau, tùy theo thời vụ lúa của địa phương.

2. Chọn vùng trồng

Trạch tả rất thích hợp với các chân ruộng trũng, ưa thích ruộng có bùn dày, như chân ruộng chiêm, ven hồ, đầm, ao, mương máng,...và có điều kiện tưới, tiêu chủ động.

3. Ươm cây

 Nên chọn loại hạt giống tốt, có màu vàng kim để gieo.Ngâm ủ hạt giống: trước khi gieo, ngâm hạt vào nước ấm 24 giờ, loại bỏ những hạt lép. Sau đó vớt hạt ra để ráo nước và đem gieo.

Có 2 cách gieo: Cho bùn gieo trên nền đất cứng như gieo mạ hoặc gieo trên đất cát vườn cao như rau. Sử dụng lưới đen cách nhiệt và che mưa, có sẵn áo mưa che cho luống ươm giống như che mạ. Nên sử dụng thuốc trừ kiến và côn trùng gây hại. Phun thuốc phòng bệnh đốm vòng.

Sau 35 - 40 ngày, đánh cây con ra ruộng lúa có nước ướt chân giâm cho cây phát triển đều. Sau đó khoảng 15 ngày có thể đem trồng ra ruộng. Như vậy, có thể rút ngắn thời gian trên ruộng.

4. Kỹ thuật trồng

Đất sau khi gặt lúa vụ mùa thì làm ngay. Yêu cầu phải tơi nhuyễn, phẳng, chủ động nguồn nước tưới vì trong suốt thời gian sinh trưởng, cây trạch tả yêu cầu nước ẩm chân.

Khoảng cách trồng 40 cm x 40 cm. Mật độ khoảng 1800 cây/sào.

Trồng khi cây cao khoảng 4 - 5 cm. Cây đẹp, tán khoẻ.

5. Phân bón

a. Lượng phân bón (kg/sào)

Phân chuồng: 200kg.                        Đạm urê: 15-20kg                  

Lân super: 20kg                                Kali clorua: 4-6kg

(Có thể sử dụng phân NPK hàm lượng và lượng theo quy đổi từ phân đơn.)

b. Cách bón

Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân và 10% đạm trước bừa lần cuối.

Sau trồng 7 ngày, bón thúc 20% đạm.

Sau 7 - 10 ngày, bón tiếp 30% đạm.

Sau 7 -10 ngày, bón tiếp 40% đạm. Hoàn tất bón đạm sau trồng 1 tháng.

Sau trồng khoảng 1 tháng rưỡi thì lấy nước ngập 4 - 5 cm và bón thúc toàn bộ phân Kali. Khi bón Kali lưu ý không để phân rơi vào nách lá có thể gây cháy lá.

6. Chăm sóc

Thường xuyên giữ nước trên mặt ruộng 1 - 2 cm.

Thường xuyên thăm đồng và bấm chánh cho trạch tả, chỉ để ngọn và lá. Như thế củ trạch tả mới to.

Ruộng trạch tả cần giữ luôn ngập nước 3 - 5 cm. Trước khi thu hoạch ít ngày có thể tháo kiệt để thân rễ chắc, dễ đào.

Hình ảnh người nông dân chăm sóc cây trạch tả

 

7. Phòng trừ sâu bệnh

 Sâu hại chính là sâu xanh và rệp, gây hại chủ yếu khi cây khoảng 1 tháng sau trồng.

 Bệnh hại chủ yếu là đốm lá và khô vằn.

 Ngoài ra cần lưu ý diệt chuột và ốc bươu vàng.

8. Thu hoạch

Thu hoạch sau trồng 4 - 5 tháng. Khi lá chuyển sang màu vàng, đào lấy thân rễ rửa sạch, cạo hết rễ, phơi khô và sấy để bảo quản. Mỗi hecta có thể đạt 2,7 - 3,7 tấn củ khô.

Phan Thị Thúy - Trung tâm Nông nghiệp CNC và XTTM